Như đã giới thiệu với bạn đọc cách đây ít lâu, cây chùm ngây – thảo dược được mệnh danh là “tiên đơn trường xuân” của người Philipines đã được chứng minh có công dụng tăng cường sinh lực mạnh mẽ cho cả nam và nữ qua thực tiễn và hàng loạt các nghiên cứu khoa học.
Điều đặc biệt, chùm ngây rất dễ trồng đại trà trên nhiều loại hình đất đai, khí hậu và Việt Nam là một trong những quốc gia có được may mắn đó. Từ thuận lợi này, rất nhiều độc giả bày tỏ mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật gieo trồng và cách chế biến chùm ngây phục vụ nhu cầu sinh dưỡng cũng như tăng cường sức khỏe chốn phòng the. Trong số này, báo GĐ&XH Cuối tuần xin gửi tới độc giả những giải đáp về vấn đề thắc mắc xung quanh loại thảo dược quý mà nhiều bạn đọc thời gian qua liên tục gửi về tòa soạn.
Dùng trực tiếp là tốt nhất
Từ năm 2005 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã chú ý và bắt tay vào nghiên cứu chùm ngây như một loại thực phẩm có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe con người. Cũng từ đó, nhiều sản phẩm từ loài cây này cũng xuất hiện trên thị trường dưới dạng trà, viên, nước… Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hanh Thông tại TP. Hồ Chí Minh là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư quy mô lớn với vùng nguyên liệu có diện tích lên đến 20 hecta tại Xuân Lộc (Đồng Nai) để sản xuất bằng nguồn giống trong nước. Công ty này đã đưa ra thị trường 6 loại trà chùm ngây nguyên chất… Gần đây nhất, công ty TMTM cho ra mắt sản phẩm trà Moringa nhãn hiệu Loyal được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và đang xuất khẩu sang Đức, Pháp, Singapore, HongKong. Thành phần chính của loại trà này là lá chùm ngây nguyên chất hoặc kết hợp với các thảo dược hữu ích khác. Ngoài trà, doanh nghiệp này còn tận dụng tối đa lợi ích của chùm ngây để sản xuất bánh, mì, cháo, bột dinh dưỡng, mỹ phẩm… Nhận thấy tiềm năng lớn từ chùm ngây, ở miền Bắc, Intracom (một công ty xây dựng – PV) cũng quyết định đầu tư, mở hướng sản xuất mới. Theo đại diện của đơn vị này, rau chùm ngây hiện được tiêu thụ rất mạnh.
Ngoài các sản phẩm trong nước, các sản phẩm làm đẹp, dinh dưỡng, dầu, thực phẩm chức năng… nhập ngoại từ chùm ngây cũng đã xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng và y tế thì sử dụng chùm ngây ở dạng tự nhiên vẫn là tốt nhất; giá thành rẻ lại giữ được nguyên chất các thành phần dinh dưỡng. Chùm ngây dễ trồng, có thể sử dụng quanh năm như một loại rau thường xuyên trong các bữa ăn. Nó vừa đảm bảo một lượng lớn các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, vừa tốt cho khả năng tình dục. Cụ thể, như đã nói ở bài trước; chùm ngây làm tăng số lượng tinh trùng cho cánh mày râu cũng như bổ trợ cho chức năng tình dục của cả nam và nữ.
Món canh chùm ngây với tôm rất ngon và bổ dưỡng. Ảnh: T.G
Nếu dùng chùm ngây như một loại rau thì cách chế biến khá đơn giản bởi nó tương tự như rau ngót, có thể luộc, nấu canh hoặc xào; cả lá non, hoa và quả đều tận dụng được. Điều lưu ý là hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây rất cao nên khi xào nấu thì không nên cho thịt, cá, xương nhiều như với các loại rau thông thường khác. Cũng có thể nghiền lá ra để làm nước sinh tố. Đối với trẻ em hoặc những người thích ăn cháo, bột thì sử dụng lá chùm ngây tươi xay nhỏ nấu cùng cũng rất ngon miệng. Muốn giữ vitamin thì nên đun cháo, bột sôi chín rồi mới cho lá chùm ngây xay nhỏ vào. Nếu là lá non thì sôi lại là được, nếu lá già hơn thì phải đun lâu hơn một chút. Khi đun nên đậy vung để giữ vitamin. Nếu nhiều lá không dùng hết ngay thì nên phơi khô trong bóng râm, nơi thoáng gió (sân thượng có mái che), sau đó xay thành bột khô, dùng trộn với bột gạo, đỗ… để nấu thành các món cháo, chè hấp dẫn.
Cơ hội làm giàu từ “thần dược”
Chùm ngây là loại cây thân gỗ. Nó có thể cao tới 5-6m và rất dễ trồng, dễ sống. Loài thảo dược này không kén đất, ít tốn phân nên có thể trồng quanh hàng rào, trồng ở những bãi đất trống, trồng dọc đường đi... Sau khoảng 6 tháng, người trồng bắt đầu có thể thu lá. Đặc biệt, hầu như chưa thấy loài sâu bọ nào có thể phá hoại chùm ngây nên không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu. Loài cây này còn có khả năng chịu hạn rất giỏi. Vì vậy, có thể trồng nó trên cả các gò, đồi, các vùng đất xấu. Tuy nhiên, nó lại chịu úng kém nên phải tránh tuyệt đối bị ngập nước. Sau 8 tháng, chùm bắt đầu cho hoa. Hoa màu trắng, có hương thơm. Quả dài 25-30cm và có hình dáng giống với quả đậu cô ve.
Việc trồng loại cây được cho là “thần diệu” này cũng khá đơn giản. Nếu trời nóng, ấm như mùa hè và mùa xuân, có thể trồng hạt trong chậu hoặc ra đất. Nếu trời mát như mùa thu thì bỏ hạt vào bao nylon, chờ 2-3 ngày hạt sẽ nảy mầm, rồi trồng trong chậu hoặc ra đất. Có nhiều cách ươm mầm chùm ngây nhưng đơn giản nhất là ngâm hạt trong nước ấm 24 giờ. Hạt sau khi ngâm, vớt ra trộn với cát, ủ trong bao tải hoặc rơm rạ mỗi ngày tưới một lần, 3 - 6 ngày sau hạt nẩy mầm, đem hạt ươm vào bao nhựa hoặc chậu nhựa chứa đất tơi xốp có khoét lỗ rút nước, tưới nước vừa đủ ẩm, tránh sũng nước. Sau từ 3 - 5 ngày, cây sẽ nhú lên, chờ tiếp từ 6 - 8 tuần, cây non hoàn toàn khỏe mạnh mới nên đem ra trồng. Khi trồng, đào lỗ rộng gấp đôi và sâu gấp đôi chậu nhựa, mỗi lỗ đào cách nhau từ 1,5m - 2m. Cắt đáy, rạch hai bên, nếu được xé toạc lấy chậu và bao ra khỏi lỗ, lưu ý không để phạm vào rễ cái. Đổ một lớp đất xốp trước khi đặt chậu hoặc bao nylon xuống, cuối cùng là phủ, nén lớp đất xốp chung quanh và mặt trên, giữ ẩm 2 - 3 tuần cây sẽ sống khoẻ, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước nữa.
GS. Nguyễn Lân Hùng bên một vườn cây chùm ngây. Ảnh: T.G
Về kỹ thuật trồng chùm ngây, GS. Nguyễn Lân Hùng - người dành nhiều thời gian nghiên cứu về loại cây này cho biết: “Cây chùm ngây trồng 6 tháng là có thể thu hoạch lá. Lá phải được bảo quản trong điều kiện thoáng mát, dưới 18oC vì trong lá hàm lượng đạm và các chất dinh dưỡng khác rất cao, nhiệt độ cao sẽ làm phân hủy. Nếu vận chuyển đi xa thì nên có thiết bị bảo quản như xe lạnh. Muốn thu hoạch quả chùm ngây thì phải sau 18 tháng, tuy nhiên những cây lấy quả tốt nhất là khoảng 6 năm tuổi. Chọn những quả to, chín phơi trong nắng nhẹ, khi nứt thì đưa vào bóng râm phơi tiếp để nứt hết rồi lấy hạt. Hạt cần bảo quản trong ni lông hút hết không khí. Nếu trồng ngay trong năm thì tỷ lệ nảy mầm có thể đạt 70-80 % còn nếu giữ quá lâu thì tỷ lệ có thể chỉ còn đạt 20 – 30%. Rất mong bà con nông dân chú ý tới chùm ngây để sớm đưa một loại rau cao cấp vào bữa ăn hàng ngày và sản xuất đại trà. Hiện nay, trên thị trường bán lá chùm ngây thấp nhất là 12.000/kg. Vì vậy, ngoài ý nghĩa với sức khỏe, bà con còn có thể làm giàu bằng loại cây này”.
Hạt, cây giống và rau chùm ngây hiện có bán tại nhiều Trại giống cây trồng của các tỉnh, thành trên khắp cả nước. Theo điều tra sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Ôn (tỉnh An Giang) thì hiện nay, trên các núi thuộc quần thể Thất Sơn còn có khoảng 20 cây chùm ngây cổ thụ và khoảng vài héc - ta cây chùm ngây còn nhỏ. Đây cũng được coi là nguồn giống lớn và chất lượng để cung cấp cho các cá nhân cũng như đơn vị có nhu cầu sản xuất loại cây này. Tuy nhiên, do ngày càng nhận thức được công dụng cũng như lợi ích kinh tế mà chùm ngây đem lại nên không chỉ người dân ở trong vùng mà người dân ở các nơi khác cũng đến khai thác bữa bãi khiến nguồn dược liệu quý của vùng Bảy Núi đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Các cơ chức năng cần có biện pháp hợp lý hơn để xử lý tình trạng này.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/suc-khoe/giup-ban-dua-tien-don-truong-xuan-ve-vuon-nha-de-cai-thien-ban-linh-phong-the-2013101410215524.htm