Sử dụng chùm ngây có gây ra tác dụng phụ không? Trước khi đặt câu hỏi này, bạn hãy dừng việc nghĩ về chùm ngây như một loại "thuốc" và nhìn nhận nó đúng với bản chất là một loại rau giàu dinh dưỡng. Sau đó hãy thử hỏi lại một câu hỏi như: "Có tác dụng phụ nào trong việc ăn rau cải xanh không?". Như vậy, bạn sẽ hiểu đúng hơn về chùm ngây, cách ăn chùm ngây, cũng như “tác dụng phụ” thực sự nghĩa là gì.
Nhìn chung con người không gặp phản ứng phụ khi ăn rau. Tuy nhiên tùy vào cơ địa, mỗi người có thể có những phản ứng khác nhau. Một số người bị đầy bụng khi ăn súp lơ dù đa số mọi người đều không gặp vấn đề với loại rau này. Đậu nành được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm từ bơ cho đến dầu chiên khoai tây dù có rất nhiều người dị ứng với nó.
Tác giả cũng chưa từng gặp bất cứ trường hợp nào dị ứng với chùm ngây nhưng không nên cho rằng đây là điều không thể. Khi nói về “tác dụng phụ”, ta thường nghĩ tới phản ứng đi kèm không mong muốn. Quả thực, các loài thực vật có thể chứa những thành phần gây nên một số phản ứng đi kèm. Ở bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt xem xét các thành phần đó với cây chùm ngây nhé.
Trypsin là một protease quan trọng góp phần tiêu hoá protein. Trong tự nhiên, thực vật tạo ra các chất ức chế protease như một cơ chế tự phòng vệ, nhằm ngăn chặn động vật ăn chúng.
Hiện chỉ có một vài nghiên cứu về chất ức chế trypsin ở chùm ngây. Tuy nhiên, theo như các nghiên cứu này, các chất ức chế protease chỉ ở hàm lượng vừa phải và những chất này khá nhạy cảm với nhiệt độ do đó việc nấu sơ cũng đủ để làm mất hầu hết hoạt tính của chúng (Vanderjagt, 2000). Một số thực phẩm bổ dưỡng, như đậu nành, được biết đến bởi chứa các chất ức chế protease (Guillamón, 2008).
Trong tự nhiên có rất nhiều loại đậu có hàm lượng protein rất cao nhưng lại không ăn được chính bởi vì chúng có nhiều chất ức chế protease và các chất kháng dinh dưỡng. Không giống như những loài này, chùm ngây không có tính chất khó tiêu hóa (mà thậm chí ngược lại, còn kích thích tiêu hóa).
Tanin là chất đắng làm cho vỏ cây có màu nâu (là các polyphenol, các phân tử lớn, phức tạp được tạo thành từ rất nhiều vòng phenol). Tanin đã và đang được sử dụng trong da thuộc (tanning leather) bởi khả năng tương tác với protein.
Tannin liên kết với các protein và làm cho chúng thoát ra khỏi dạng lỏng. Khi không ở dạng lỏng, chúng sẽ trở nên khó tiêu hóa. Vì vậy, giống như chất ức chế protease, đây là hợp chất tự phòng vệ được tạo ra bởi thực vật để tránh bị ăn bằng cách gây ức chế tiêu hóa.
Makkar và Becker (1997) tìm thấy tannin trong chùm ngây với nồng độ khoảng 12 grams/kg. Họ tuyên bố đây chỉ là hàm lượng "vừa phải”.
Vẫn nên nhắc lại rằng, các nghiên cứu về chùm ngây được thực hiện trên những mẫu cây được thu thập chỉ trong phạm vi một vài khu vực và do đó có thể không phản ánh sự biến đổi giữa các loài. Thêm vào đó, kết quả của các nghiên cứu hóa học có tính dao động lớn tùy thuộc vào mẫu chiết xuất và cách thức chuẩn bị mẫu mà từng nghiên cứu áp dụng (Hagerman, 1988). Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất khó để so sánh giữa các nghiên cứu.
Ví dụ, Albrecht và Muck (1991) đã đo hàm lượng tanin trong nhiều loại đậu và phát hiện thấy hàm lượng tanin thay đổi từ 0 - 27 grams/kilogam. Điều này có vẻ như khẳng định thêm cho kết luận của Makkar và Becker (1997) rằng 12 gram trên một kilogram trong lá chùm ngây thực sự được xem là vừa phải.
Thực tế cho thấy, các phương pháp nghiên cứu đều có sự khác biệt ít nhiều vậy nên thật khó để biết chính xác mức độ tanin trong chùm ngây so với những loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, trái ngược với các loại thực phẩm như nho, quả hồng hoặc hạt dẻ, vốn nổi tiếng về hàm lượng tanin, chùm ngây không được biết đến với điều tương tự. Chùm ngây đã được sử dụng như một loại thực phẩm qua hàng thế kỷ, nếu nồng độ tanin trong chùm ngây thực sự có hại cho sức khỏe, hẳn con người đều đã biết đến điều này. Vì vậy, có thể nói rằng nồng độ trong chùm ngây đủ thấp để không ảnh hưởng đến việc sử dụng chúng.
Saponins hay Sapon là từ gốc La tinh cho "xà phòng" và các hợp chất có tính chất như xà phòng (Osbourn 1996).
Nếu bạn lấy hoa của cây Ceanothus, làm ướt và chà xát chúng giữa hai lòng bàn tay, bạn sẽ thấy trên tay bạn là một chất bọt. Chất bọt này được tạo ra chính bởi saponins. Ở các vùng nhiệt đới nước Mỹ, có một loại cây nổi tiếng với tính chất xà phòng được gọi là ”Sapindus saponaria” và được biết đến với nhiều tên gọi khác ví dụ như "jaboncillo" (có nghĩa là “cục xà phòng nhỏ”).
Rất nhiều loại cây đã và đang được sử dụng bởi tính chất xà phòng của chúng (để tắm, giặt quần áo hoặc để bắt cá). Để bắt cá, những cây này được đem nghiền nát và ném vào một vùng nước. Những con cá, do nhạy cảm với bọt xà phòng sẽ ngừng bơi và thậm chí có thể chết, khiến chúng dễ dàng bị bắt hơn.
Không chỉ riêng cá không thích saponins, nấm cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi chất này. Saponins cũng là một trong số những phương thức của thức vật để tự bảo vệ, ở đây là bảo vệ chúng khỏi nấm (Osbourn 1996). Giống như tannin, chất này có vị khó chịu và có khả năng gây độc. Nếu bạn đã từng ăn diêm mạch (quinoa) mà không rửa kỹ, bạn sẽ thấy chúng có vị saponins đắng, khá khó chịu.
Saponins làm phân tán chất béo, khiến chúng hòa tan hơn trong nước. Lớp màng tế bào được tạo thành chủ yếu bởi chất béo, kết quả là saponins có thể giết chết tế bào bằng cách kết hợp với chất béo ở màng tế bào, làm cho nó mở ra và làm phần nhân tế bào thoát ra ngoài.
Nghiên cứu của Makkar và Becker (1996) cho thấy trong các loại thực phẩm, hàm lượng saponins nhiều hơn cả là trong thành phần của đậu nành (dù trước giờ chúng ta chưa từng tránh ăn đậu nành vì điều này). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hàm lượng saponins trong chùm ngây là rất thấp. Tất nhiên, sẽ xác thực hơn nếu có thêm nhiều nghiên cứu khác về thành phần trong chùm ngây (xem thêm Makkar and Becker 1997 và Gidamis, 2003).
Lectins là hợp chất được biết đến như glycoprotein, chất mà khi chúng ta ăn phải, nó sẽ kết dính với các mucopolysaccharides (một trong nhóm các carbonhydrate phức tạp) dính vào màng của các tế bào trong thành ruột.
Chất lectin nổi tiếng nhất là ricin, thành phần có trong loại chất độc đã được sử dụng để ám sát Georgi Markov năm 1978 và chứa trong các bức thư gửi tới một số chính trị gia Mỹ. Các lectins nổi tiếng khác bao gồm có phytohemagglutinin, hợp chất gây hại cho thận nếu ăn sống hoặc không được nấu ở nhiệt độ đủ cao để làm biến tính độc tố. Tên gọi "phytohemagglutanin" bao gồm "hema-" chỉ máu và "-agglutanin" chỉ sự kết dính.
Một trong những tác nhân khác của phytohemagglutanin là làm cho các tế bào hồng cầu dính lại hoặc kết hợp với nhau, gây cản trở sự vận chuyển oxy và tắc nghẽn mao mạch.
Đây chỉ là một trong số nhiều cách mà thực vật dùng để tự vệ cho bản thân (Peumans và Van Damme, 1995). Nghiên cứu của Makkar và Becker (1996) không cho thấy thành phần lectins trong chùm ngây, mặc dù hạt chùm ngây nổi tiếng bởi thành phần chứa protein gây đông máu. Như vậy, mặc dù chùm ngây rất giàu protein, lectins dường như không phải là thành phần quan trọng có trong thành phần hoá học của chúng.
Nếu có tìm hiểu về chùm ngây, chắc hẳn bạn đã đọc được điều này đến cả nghìn lần: “chùm ngây có nhiều vitamin C hơn cam, nhiều canxi hơn sữa chua". Chúng ta sẽ nói sâu hơn về vitamin C lúc khác, ở đây hãy tập trung vào canxi. Nghiên cứu của tác giả (Olson và Carlquist, 2001) cho thấy rằng có rất nhiều canxi trong tất cả các bộ phận của cây chùm ngây - nhưng ở dạng tinh thể canxi oxalat. Những tinh thể này là một loại hình tự bảo vệ của thực vật, lần này là để chống lại việc bị côn trùng nhai hoặc cắn.
Đối với con người, canxi oxalat tốt nhất không nên có trong cơ thể và nếu có, trong trường hợp xấu nhất sẽ tạo nên sỏi thận (Finkelstein và Goldfarb, 2006). Trong nhiều năm, chúng ta chưa biết rõ “nhiều hơn sữa chua” chỉ chính xác hàm lượng là bao nhiêu. Các bạn có thể xem thêm về canxi oxalat trong bài viết trước của tác giả và nghiên cứu của Radek và Savage (2008). Nhưng câu trả lời ngắn gọn là chùm ngây vô hại. Hầu hết các oxalat trong chùm ngây có thể được đào thải qua các tuyến bài tiết vậy nên chúng không tạo nên sỏi thận. Ngoài canxi oxalat, chùm ngây chứa một lượng lớn canxi sinh khả dụng (là loại canxi mà cơ thể con người có thể hấp thu và chuyển hóa).
Là chất có tiềm năng cao trong việc gây nên phản ứng phụ ở chùm ngây vì nguy cơ hình thành nên bướu cổ. Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp mở rộng (thyroid glands), vì thế nó còn có tên khoa học là thyromegaly (thryo- tuyến giáp, megaly hay mega nghĩa là lớn). Do đó, thắc mắc tất yếu là liệu glucosinolates trong chùm ngây có khả năng gây bệnh bướu cổ không (Abuye, 2003).
Chùm ngây là một loài trong bộ mù tạt (Brassicales). Điều này có nghĩa là nó có họ hàng, dù hơi xa, với mù tạt. Nhiều loại cây trong bộ mù tạt đã được biết đến là có chứa progoitrin, chất mà khi chúng ta ăn sẽ bị phân tách trong giai đoạn đầu của quá trình tiêu hóa, giải phóng các chất được gọi là oxazolidonethiones, dẫn đến sự hình thành của bướu cổ. Tuy vậy, progoitrin chưa từng được xác định là có ở bất kỳ loài chùm ngây nào.
Tương tự, không có loài chùm ngây nào có hàm lượng glucosinolate thuộc nhóm indole (Faizi, 1994; Guevara, 1999). Indole glucosinolates là các hợp chất quan trọng gây nên bướu cổ. Kết luận lại, các nghiên cứu chưa từng chỉ ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào đối với nguy cơ mắc bệnh bướu cổ do sử dụng chùm ngây.
7. Nguy cơ gây sảy thai
Một khía cạnh sinh học khác của chùm ngây thực sự cần được lưu tâm là nguy cơ làm sảy thai. Tác giả chưa từng biết đến bất cứ trường hợp sảy thai nào do sử dụng chùm ngây ở liều lượng hợp lý.
Tuy nhiên tại Ấn Độ, sử dụng chùm ngây được xem như một cách phá thai truyền thống (Nath, 1992). Thí nghiệm ở chuột cho thấy, chùm ngây tác động đến tử cung, buồng trứng và làm giảm hóc môn nữ (Shukla, 1989). Do đó, đã có một số các nghiên cứu được thực hiện về ảnh hưởng của chùm ngây tới việc sảy thai trên loài chuột.
Cũng như hầu hết các nghiên cứu về tiềm năng dinh dưỡng và y học của chùm ngây, không có nghiên cứu nào trong số trên được đăng trên các tạp chí lớn lưu hành trên toàn cầu, và nhiều phương pháp nghiên cứu thậm chí khá khó giải thích. Ví dụ như nghiên cứu của Sethi (1988), họ thu thập lá chùm ngây, chiết tách bởi cồn và sau đó làm khô dung dịch này (Nath, 1992). Sau đó họ sử dụng 175 miligam chất chiết xuất này cho mỗi 1 kg trọng lượng chuột.
Nhiều thế kỷ được sử dụng như thực phẩm đã chứng tỏ sự an toàn của chùm ngây trong chế độ ăn của con người, bao gồm cả phụ nữ mang thai. Nhưng rõ ràng sẽ luôn là hữu ích nếu có thêm nhiều nghiên cứu nữa. Khả năng sảy thai khi sử dụng chùm ngây với liều lượng lớn minh chứng cho một điều: "Cái gì nhiều quá bao giờ cũng không tốt." Bạn có thể thêm chùm ngây vào khẩu phần ăn như một loại thực phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng và thậm chí có khả năng phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, hãy nhớ coi nó chỉ giống như các loại rau bổ dưỡng khác, giống như rau ngót chẳng hạn (cũng được khuyên không nên sử dụng khi mang thai).
Kết luận
Các nghiên cứu đã được thực hiện cho đến nay, cộng với lịch sử hàng ngàn năm tiêu thụ của con người có thể đảm bảo sự an toàn của chùm ngây trên bàn ăn nhà bạn. Tuy nhiên, nếu bạn là một tín đồ chùm ngây và ăn một lượng lớn chỉ duy nhất loại rau này, cơ thể bạn sẽ có thể thấy không ổn bởi ảnh hưởng của các chất saponins, tannin hoặc bất kỳ hợp chất nào khác.
Và hãy nhớ, bạn cũng có thể là một trong những người hiếm hoi bị dị ứng với các loại thực phẩm thông dụng như bông cải xanh nhưng đây hoàn toàn không phải là "tác dụng phụ" của chùm ngây, nó chỉ là một loại đặc trưng sinh lý học bất thường của riêng bạn (dù vậy, đã có một số bằng chứng cho thấy chùm ngây thực sự giúp chống lại dị ứng, xem thêm Mahajan và Mehta 2007, Agrawal và Mehta 2008).
Mặc dù con người đã sử dụng chùm ngây như thực phẩm qua hàng ngàn năm, nhưng thành phần cũng như mọi khía cạnh của loại rau này đều cần được nghiên cứu thêm.
Chùm Ngây Việt MoriS sẽ cố gắng đem lại cho người tiêu dùng ngày càng nhiều những kết quả nghiên cứu có giá trị về chùm ngây trong và ngoài nước. Trong khi đó, tất cả mọi nghiên cứu được thực hiện cho đến nay đều cho thấy chùm ngây không đem lại bất cứ tác dụng phụ nào và là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nên có trong khẩu phần phần ăn của mỗi người.
Lược dịch: Thu Hà - đội ngũ Chùm Ngây Việt MoriS
Đề nghị sao chép cần dẫn nguồn và đề tên người dịch
Nguồn: http://moringaceae.org/1/post/2014/05/are-there-side-effects-from-taking-moringa.html
(Website của Bác sĩ Mark E. Olson - chuyên gia Sinh học làm việc tại Đại học Quốc Gia Mexico)