CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÙM NGÂY

Admin
20, March, 2017


Cây chùm ngây ở Việt Nam được các nhà khoa học trên thế giới gọi là "Cây phép mầu", "Cây thần diệu" (Miracle tree) vì đây là loài cây đa tác dụng hay “Cây vạn năng”(Multipurpose tree).

Trên thế giới Cây Chùm Ngây được xem là tài nguyên vô giá, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng hộ giảm nhẹ thiên tai
Các bộ phận của Cây Chùm Ngây được sử dụng để tạo thành nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời, nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, và nguồn nguyên liệu hoàn hảo cho ngành mỹ phẩm …

Cây Chùm Ngây chứa nhiều hoạt chất quý

Là một trong những loài cây có ích nhất trong vô vàn thực vật trên Trái đất. Hầu hết mọi bộ phận của cây đều được sử dụng như 1 nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho con người và gia súc, một nguồn dược liệu tự nhiên, nguyên liệu hoàn hảo cho ngành mỹ phẩm… Lá cây chùm ngây có chứa nhiều vitamin và muối khoáng có ích, với hàm lượng rất cao: Vitamin C cao gấp 7 lần trong cam, provitamin A cao gấp 4 lần trong cà-rốt, canxi cao gấp 4 lần sữa, kali (potassium) cao gấp 3 lần trong chuối, sắt cao gấp 3 lần cải bó xôi, và ngay cả protein cũng cao gấp 2 lần trong sữa. Do vậy, lá chùm ngây được xem là một trong những nguồn dinh dưỡng thực vật có giá trị cao. Do chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất: 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, hơn 18 loại acid amin, 46 loại chất chống oxi hóa khác nhau, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm tự nhiên và chứa một lượng lớn các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến,  ổn định huyết áp, chống hạ đường huyết… nên cây chùm ngây được nhân dân vùng Nam Á xem như thần mộc chữa bách bệnh. Nền y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng Cây Chùm Ngây để điều trị được 300 bệnh khác nhau (phòng và chữa ung thư, tiểu đường, thiếu máu, còi xương, kích thích hoạt động của hệ tim và hệ tuần hoàn, chống kinh phong, chống sưng viêm, trị ung loét, chống co giật, lợi tiểu, hạ huyết áp, hạ cholesterol, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kháng sinh và chống nấm.... ).

Cây Chùm Ngây được các nhà lương thực học, dinh dưỡng học, dược học … trân trọng sử dụng như một giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng và phòng bệnh phổ thông cho loài người. Chính vì thế Cây Chùm Ngây được mệnh danh là Cây Độ Sinh -Moringa (Cây cứu sống)

Tại Việt Nam, Cây Chùm Ngây được Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây - Rau thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhập hạt giống từ tháng 3/1989 với mục đích là phát triển thành loại rau mới ở Việt Nam.

Với tâm nguyện được đem đến cho mọi người những bữa ăn Lành – Sạch -  Bổ dưỡng, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Công ty TNHH Quỳnh An Ngọc đưa ra kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chùm ngây đạt năng suất cao theo hướng hữu cơ như sau:

I.  NHÂN GIỐNG VÀ CHĂM SÓC CHÙM NGÂY TRONG VƯỜN ƯƠM

1.1. Ươm hạt

Nên làm theo phương pháp này, nếu hạt giống đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ nảy mầm là: 96/100

- Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) + 20 ml T2 – chế phẩm từ tỏi để diệt trừ nấm bệnh,  trong 24h.

- Sau 24h, vớt hạt ra, rửa sạch chất nhờn, cho vào vải ẩm để ủ, đặt túi hạt trong bóng  tối, nếu mùa đông ở miền Bắc cần thắp bóng điện 100w để làm tăng tỉ lệ nảy mầm của hạt.

- Hàng ngày nhúng nước cho đạt độ ẩm.

- Sau khi ủ 2 ngày cần kiểm tra và đảo hạt, đảo nhẹ nhàng cẩn thận tránh gãy mầm. Lựa chọn hạt nứt nanh, rễ nhú ra khỏi vỏ hạt đem gieo vào bầu.

- Các hạt chưa nứt, đem rửa lại với nước ấm cho sạch nhớt, tiếp tục ủ. Thông thường sau 5 ngày thì hạt sẽ nẩy mầm hết.

Lưu ý: Nhiệt độ nẩy mầm tối ưu từ 30 độ C đến 35 độ C

1.2. Gieo hạt vào bầu                   

- Công thức trộn bầu 1: 70/100 đất bột + 20/100 trấu hun + 10/100 phân chuồng hoại mục. (có thể thay thế phân chuồng hoại mục bằng: 30g phân hữu cơ vi sinh, hoặc 150g phân giun quế  cho 1 bầu )

- Giá thể gieo hạt phải được sử lý sát trùng, diệt trừ nấm hại: pha 200ml T2 + 500ML chế phẩm EM5 trong bình 10 lít nước phun cho bầu đất, phun định kỳ 7 – 10 ngày phun một lần.

- Bầu gieo hạt: kích thước 14 x 16 là phù hợp,

- Hạt đặt vào bầu đất, rễ nằm ngang, phủ một lớp đất bột mỏng 1- 2 cm lên phía trên.

1.3. Vườn ươm

- Làm nền đất cao, thoát nước tốt, đã sử lý sát trùng nền đất bằng cách phun đẫm chế phẩm EM tỷ lệ 2%, cách 3 ngày phun 1 lần, phun 3 lần trước khi để cây ươm

- Bệnh nguy hiểm nhất là bệnh lở cổ rễ, do nấm gây hại, do đó, cần sử dụng thường xuyên chế phẩm EM làm sạch môi trường không cho nấm bệnh phát triển và phòng bệnh bằng chế phẩm T2.

- Khi phát hiện có nấm, ngâm chế phẩm dâm bụt, pha tỷ lệ 5%, phun 2 ngày/lần.

- Che chắn lưới xung quanh nhà ươm chống côn trùng vào vườn ươm, che phủ lưới đen và nilon phía trên để che mưa, chống ánh nắng trực tiếp cho cây.

1.4. Chăm sóc

- Phủ lưới đen trong giai đoạn cây con ban đầu.

- Cây cao 8 -10 cm, tháo lưới đen che nắng: 1/3

- Cây đạt chiều cao 10 -13 cm, nên tháo lưới đen 1/2, cây đạt độ cao 13 - 15 cm, nên tháo lưới đen hoàn toàn, cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời,  nhưng vẫn giữ nilon tránh mưa gây nấm bệnh và ngập úng cho cây con.

- Khi cây đạt độ cao 25 - 30 cm, khoảng 25 - 35  ngày sau  khi gieo hạt vào bầu thì đem trồng ra vườn sản xuất (tùy vào nhiệt độ, nếu mùa hè chỉ cần khoảng 25 ngày là cây đạt điều kiện để đem trồng).

- Thường xuyên quan sát cây trong quá trình sinh trưởng, chú ý ốc sên gây hại, và các loại sâu xanh ăn lá. Diệt trừ  sâu hại và ốc sên bằng biện pháp thủ công, bắt bằng tay vào buổi tối và sáng sớm, có thể rải tro xung quanh nền nhà ươm để chống ốc sên.

- Thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho bầu hạt, độ ẩm 70% là phù hợp (nắm chặt đất bầu, khi nhả tay ra thì thấy nước ra ở kẻ tay, và đất von lại, không dính tay ), tưới nước bằng bình phun mưa nhẹ, phun sương  tránh làm dập lá, đổ gãy cây.

- 15 ngày sau khi hạt tra vào bầu, nên bón thêm dinh dưỡng dạng dung dịch, tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của cây: có thể bón liều lượng 50 ml T2 + 100 ml CÁ HEO ĐỎ (hoặc phân bón cá tự ủ, phân giun quế pha dạng dung dịch)  pha trong bình 10 lít nước.

II. TRỒNG CÂY

* Thời vụ trồng

Cây chùm ngây không chịu được lạnh, ở nhiệt độ dưới 20 độ C, cây chậm hoặc ngừng phát triển. Vì vậy, ở miền bắc  Việt Nam gieo ươm và trồng vào vụ xuân, xuân hè, vụ hè là tốt nhất, ở miền Nam có thể gieo trồng quanh năm, tốt nhất vào đầu mùa mưa.

2.1. Đất

2.1.1 Đất trồng

-  Chọn đất cao ráo, thoát nước tốt: đất đồi, đất vàn cao….. Cây không chịu được ngập úng nhưng cần tưới đủ nước thường xuyên.

-  Đất thấp, hay bị ngập nước, và thoát nước kém cần lên luống trước khi trồng cây, luống cao 30cm – 35cm, đào mương rãnh để thoát nước.

-  Nên bón phân chuồng + vôi bột cải tạo đất  nếu đất đã bạc màu, khô cằn, lượng bón: Phân chuồng hoại mục 100 - 110tấn/ha (tính trung bình từ 15-20kg/hố) + vôi bột 0,8 -1 tấn/ha

2.1.2. Chuẩn bị hố trồng cây

Nên đào hố phơi ải, rắc vôi diệt khuẩn và bón lót phân trước khi trồng cây 7 - 10 ngày.

Kích thước hố trồng 30 x 30 x 30  cm, không sử dụng phân chuồng hoại mục.
Kích thước hố trồng là 50 x 40 x 40 cm nếu sử dụng phân chuồng hoại mục  và các loại phân có sinh khối lớn khác.

- Bón lót 

Ø 15 - 20kg phân chuồng hoại  + 0.3kg vôi bột

Ø 2-3Kg phân giun quế + 15 – 20kg Phân xanh đã ủ hoại mục (Hạn chế sử dụng phân vi sinh có nguồn gốc từ than bùn)

(Có thể bón các loại phân hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ có mặt trên thị trường )

2.2. Mật độ, khoảng cách trồng và bố trí cây trồng

Tùy theo mục đích sản xuất mà bố trí khoảng cách trồng cho phù hợp .

2.2.1. Trồng để làm rau ăn lá, hoặc lấy rễ.

- Khoảng cách 1m x 1,5m (hàng cách hàng 1.5m, cây cách cây 1m )

- Mật độ: 7.700 cây/1ha

- Nếu đất thường bị ngập nước vào mùa mưa nên làm luống cao 25- 30cm, rãnh rộng 30cm. mặt luống rộng 1.8m, trồng 2 hàng trên 1 luống.

- Bố trí cây trồng thẳng hàng, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

2.2.2 .Trồng để làm dược liệu hoặc lấy hạt

- Khoảng cách: 1.5m  x 2 m.

- Mật độ: 3.160 cây/1 ha.

- Trồng trên đất đồi nên bố trí cây trồng theo đường đồng mức hoặc so le, tránh xói mòn đất.

2.3.Trồng cây

- Xung quanh gốc cây chùm ngây nên phủ lớp nilon đen, hoặc phủ lớp rơm rạ hoặc trồng cỏ lạc để trừ cỏ dại và giữ ẩm cho gốc chùm ngây.

- Dưới tán chùm ngây nên trồng xen các loại cây họ đậu, và các loại cây rau ăn lá ngắn ngày tùy theo mật độ trồng chùm ngây mà bố trí cây trồng xen cho phù hợp như: rau cải, rau dền, đậu tương… (đối với phần trồng là dược liệu)

- Cách trồng: dùng cuốc xới đều dưới hố trộn đều phân bón và đất, xé túi bầu đặt cây ngay trung tâm hố, cây phải thẳng đứng, lấp hố ém đất xung quanh. Lấp theo hình nón úp đề cây không bị úng nước về mùa mưa sẽ bị chết nhiều.

- Cắm cọc buộc cho cây khỏi đổ ngã.

III. CHĂM SÓC

3.1. Phân bón

Hiện nay chưa có thí nghiệm về bón phân cho cây Chùm ngây trên các loại đất khác nhau. Lượng phân bón thay đổi theo tính chất đất, theo tuổi của cây và theo sản lượng mà cây đã cho.

3.1.1. Bón lót

- Nên bón lượng phân: phân chuồng hoại mục kết hợp phân hữu cơ vi sinh và trấu hun làm tới xốp cho đất,  rễ phát triển tốt. Liều lượng bón theo mục 1.2 của phần II.

3.1.2. Bón thúc

Theo kinh nghiệm tại Công ty Quỳnh An Ngọc cho thấy:

- Bón phân chuồng hoại mục kết hợp với xác thực vật cành lá sau thu thu hoạch.

Ø Cách bón: đào rãnh xung quanh gốc cây, đường kính rãnh vuông góc theo hình chiếu của tán lá, rãnh sâu 15- 20 cm, rộng 20 -25 cm, bón phân xong lấp đất và tưới đẫm nước.

Ø Liều lượng: bón 10-15kg phân chuồng (hoặc 2-3 kg phân vi sinh hữu cơ Quế Lâm ) + xác thân lá chùm ngây sau thu hoạch, bón 2 lần/1 năm, bón sau khi thu hoạch chùm ngây.                        

Ø Sử dụng các loại phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng kịp thời thường xuyên và đều đặn cho cây Chùm Ngây, các loại phân bón được sử dụng là:

Ø Phân bón lá hữu cơ Cá Heo Đỏ

Ø Phân bón lá hữu cơ chế từ cá và rong biển dạng dung dịch (tự ủ tại nhà theo quy trình)

3.2. Nước tưới

Mặc dù Cây Chùm ngây chịu hạn rất tốt nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức sống và giảm năng suất nhiều. Biểu hiện của sự thiếu nước là:

- Cành mới hình thành ít, phát triển rất chậm.

- Cành teo lại và chuyển sang màu vàng

- Lá vàng, héo nhiều

- Lá nhỏ

Việc tưới nước tùy theo thời tiết, thường tưới nhiều vào mùa khô, mùa thu và mùa đông.

Tưới nước 4-5 ngày tưới 1 lần, tưới vừa đủ ẩm đất, tránh tưới đẫm nước gây úng cho rễ cây.

3.3.Tạo tán

- Trồng cây để thu hoạch rau xanh: cây cao 1,5m nên cắt ngọn tạo tán, để lại 2-3 cành cấp 1, 5-7 cành cấp 2. khống chế chiều cao cây là từ 1,2m  đến 1,5m.

3.4. Làm cỏ

Cỏ dại nhiều tạo điều kiện cho sâu bệnh hại cây chùm ngây phát triển nhiều, vì vậy cần phải:

- Làm cỏ thường xuyên kết hợp với xới xáo quanh gốc và bón phân cây Chùm Ngây.

- Mỗi lần làm cỏ bón phân xong cần phủ lại nilon hoặc rơm rạ xung quanh gốc Chùm Ngây.

- Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng là phương pháp hạn chế cỏ dại.

IV. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

- Thu hoạch 40 - 45 ngày 1 lần thu, thu lá non, dùng dao hoặc kéo để cắt lá, ngọn rau.

- Năng suất: Năng suất tùy theo cách đầu tư trung bình thu hoạch đạt  0.3 -0.5kg lá tươi/cây/1 lần thu (sau khi trồng 3 tháng).

- Bảo quản lá nơi khô ráo, thoáng khí, không để lá Chùm Ngây thành đống.

- Vì lá chùm ngây có rất nhiều chất dinh dưỡng nên thời gian phân hủy nhanh, vì vậy, khi thu hoạch lá xong cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh, hoặc sử dụng chế biến ngay.

V. SÂU BỆNH HẠI

5.1. Sâu hại

- Cây Chùm ngây hầu như “miễn dịch” với sâu bọ.

- Tuy nhiên vẫn có một số loại sâu bọ hại chùm ngây như: ốc sên hại thân lá, sâu xanh hại lá, kiến ruồi đục quả, rệp sáp chích hút nhựa . ..

- Phòng trừ:

§  Dùng tay bắt ốc sên vào ban đêm, mang đi nơi khác để hủy, tránh tồn tại trứng ốc sên trong vườn.  Có thể rải tro xung quanh gốc chùm ngây.

§  Các loại côn trùng hại khác dùng các loại thuốc hữu cơ như: T2, chế phẩm EM5 để diệt trừ, liều lượng theo hướng dẫn.

5.2. Bệnh hại

- Cây chùm ngây có sức đề kháng mạnh với các loại bệnh hại, nhưng trong thời kỳ vườn ươm cây yếu nên chú ý chăm sóc, phun thuốc sát trùng, tránh ngập úng, phòng trừ các bệnh do nấm gây ra.

- Phun thuốc: Phun định kỳ 10 ngày/lần chế phẩm EM5 tỷ lệ 5% để phòng trừ sâu bệnh hại.
 


Mọi thông tin tư vấn và mua sản phẩm vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH QUỲNH AN NGỌC - Chuyên cung cấp các sản phẩm Chùm ngây
Địa chỉ: Số 77 Lô A2, KĐT Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0466 864 027 - Hotline: 0966 404 450
Website: http://rauchumngay.com.vn - Email: dailychumngay@gmail.com

Tin tức liên quan

Chùm ngây: Siêu thực phẩm
Chùm ngây: Siêu thực phẩm "thần dược" cho mùa dịch
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây