Các Quốc gia đang phát triển đã sử dụng Cây chùm ngây (Moringa Oleifera) làm thực phẩm và làm thuốc

Admin
20, March, 2017

Các Quốc gia đang phát triển đã sử dụng Cây chùm ngây (Moringa Oleifera) làm thực phẩm và làm thuốc

Các quốc gia đang phát triển đã sử dụng cây chùm ngây làm thực phẩm và làm thuốc. Nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng đã được trồng nhiều tại các quốc gia vùng nhiệt đới. Ở nước ta cây được trồng làm nọc trầu (làm trụ để trầu bám leo lên) ở Ninh Thuận, là nguồn thực phẩm chính của đồng bào Chăm và Raglay; Còn mọc hoang và trồng ở Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Thuận ....

Chùm ngây thuộc thân mộc, cao 5 – 10m. Lá 2-3 lần kép, dài 30 – 60cm hình lông chim, lá chét hình trứng mọc đối có 6 – 9 đôi. Hoa trắng có cuống giống hoa đậu ván mọc thành chùm ở nách lá, có lông tơ. Quả nang dài 30 – 40cm, ngang 3cm có 3 cạnh, chỗ có hột gồ lên, có khía rãnh dọc theo quả. Hột màu nâu đen, tròn có 3 cạnh đính 3 cánh lụa trắng mỏng, hạt lớn cỡ hột nhãn tiêu.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về lá chùm ngây non ở miền Nam nước ta cho thấy trong 100g còn tươi có 6,35g chất đạm, 1,7g chất béo, 8g bột đường, 1,9g chất xơ, 3,75g chất khoáng (trong đó phosphor 50mg, kali 216mg, calci 122mg, magnesium 123mg, đồng 0,1mg, sắt 16mg, caroten 6.250 UI). Các sinh tố B1 0,2mg, B2 0,21mg, PP 2,25 mg và sinh tố C từ 110-220mg. Như vậy lá chùm ngây non là loại rau giàu dưỡng chất trong các loại rau.

Những nghiên cứu khoa học về cây chùm ngây

Đa số các nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ, Philippines và Phi Châu… Cây Chùm Ngây có tên khoa học là Moringa Oleifera họ chùm ngây (Moringaceae) đã được biết đến và dùng nhiều hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. Do có nhiều hiệu quả hữu ích từ cây chùm ngây nên hiện nay đang có chương trình khuyến khích trồng cây chùm ngây ở 80 quốc gia trên toàn thế giới.
Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quí hiếm như Zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và Kaempferol.
Theo các nghiên cứu khoa học của nước ngoài, trong lá và hoa còn tươi của cây chùm ngây được đánh giá như sau: Vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần, nhiều hơn 4 lần calcium và 2 lần protein của sữa, hơn 4 lần vitamin A của cà rốt, hơn 3 lần potassium của chuối. Như vậy cây chùm ngây là nguồn thực phẩm có giá trị cao.

Cách sử dụng

- Các món canh mặn: Nấu với tôm, tép, cá trê, thịt nạc… Sau khi nêm nếm cho vừa ăn, dùng lá chùm ngây non, đọt non rửa sạch bỏ vào nồi canh khi nước đang sôi trộn đều rồi nhắc xuống ngay không để sôi thêm.
- Các món canh chay: Canh bí ngô với bắp non bào nhỏ và đậu phọng sống (lạc) giã nát nấu cho chín, nêm nếm cho vừa ăn rồi bỏ lá chùm ngây non, đọt non đã rửa sạch vào trộn đều nhắc xuống ngay không để sôi thêm.
- Món lá chùm ngây trộn dầu dấm : Lá chùm ngây non vừa đủ dùng, rửa sạch tuốt lấy lá non, đọt non, bỏ cọng già. Trộn với dầu dấm, ít muối, tiêu, đường. Món sống này ăn rất ngon và không còn mùi hăng của lá. Hoặc thêm vào ít cà chua và hành tây. Hoặc các món khác như xào, luộc…

Kinh nghiệm chữa bệnh từ cây chùm ngây

1. Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglay: Cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lần trong ngày. Phụ nữ Raglay trong tuổi sinh đẻ nếu uống nước sắc rễ chùm ngây thì không có con.
2. Trị tăng Cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid. Làm giảm Acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalat: Mỗi ngày dùng 100g rễ tươi (30g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống cả ngày.
3. Giúp ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, bảo vệ gan, trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh: Mỗi ngày dùng 150g lá chùm ngây non, đọt non, cọng non rửa sạch, giã nát, thêm 300ml nước sạch vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố) thêm 2 muỗng canh mật ong trộn đều, chia uống 3 lần trong ngày.
4. Trị u xơ Tiền Liệt tuyến: Rễ chùm ngây tươi 100g + Lá Trinh nữ hoàng cung tươi 80g (Hoặc rễ chùm ngây khô 30g + Lá Trinh nữ hoàng cung khô 20g). Nấu với 2 lít nước còn lại nửa lít thuốc. Uống ấm 3 lần trong ngày.
5. Lắng nước: Dùng 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quậy đều 5 phút với 3 lít nước đục vùng lũ lụt, nước đục ở ruộng, ao, hồ. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng cây chùm ngây

Cách trồng

GIEO HỘT
Ươm cây 

- Ngâm hột chùm ngây với nước lạnh 12 giờ. Vớt ra để ráo.
- Dùng bao nylon 15 x 10cm đựng đất, cát, tro trấu đã trộn sẵn rồi đục dưới đáy bao 2 – 3 lỗ bằng đầu đũa. Xếp các bao nylon đựng đất sát vào nhau, để trong mát, tưới nước cho ẩm. Dùng ngón tay trỏ ấn vào giữa bao sâu bằng 2 đốt ngón tay, đặt 1 hột chùm ngây vào rồi phủ đất lại. Tưới nước vừa phải, sau vài ngày hạt sẽ nẩy mầm, tiếp tục tưới nước hàng ngày, khi cây chùm ngây cao 3 tấc thì đem trồng.
Chuẩn bị đất và cách trồng: 
Chuẩn bị đất hoai trộn phân hoai, tro, trấu bón vào hố đào sẵn 40 x 40cm sâu 40cm, hoặc trong chậu kiểng. Xé bỏ bị nylon đặt cây con vào giữa hố ém chặt, tưới nước cho ướt. Cắm 1 que tre cao 5 tấc, hoặc một cây tầm vông cao 1m cạnh cây chùm ngây con, cột dây giữ cho cây không bị gãy, ngã.

Nếu trồng để thu hoạch lá non, đọt non (làm rau ăn liên tục) thì đánh hàng, lên líp. Hàng sâu hơn líp 2 tấc để dễ tưới nước hoặc dẫn nước vào. Líp cách hàng 1m5 để dễ đi lại chăm sóc, thu hoạch. Trồng cây con dưới hàng, cây cách cây 1m.
Thu hoạch
Khi cây cao được 1m5 thì cắt ngang chừa lại 1m. từ chỗ cắt cây sẽ đâm nhiều tược, khi tược cao lại cắt ngang chừa lại 1 tấc, cây sẽ đâm tược chỗ cắt 1 tấc theo cấp số nhân. Chùm ngây là rau sạch, không dính đất cát và không có sâu, bệnh.

Dâm Cành
Chặt cành non bằng gốc, bằng ngọn không được chặt xéo, đường kính 1 tấc, mỗi cành dài 1m2. Chôn sâu cành 3 tấc phần gốc, dùng bàn chân đạp chặt xung quanh gốc cho vững chãi, ngọn hướng lên trên, tưới nước vừa phải. Sau 20 ngày cành sẽ đâm tược. Khâu chuẩn bị đất, cách trồng và thu hoạch như trên. Nếu muốn sử dụng rễ thì để cây phát triển bình thường 6 tháng trở lên. Có thể trồng cây chùm ngây ở vùng đất khô cằn, bạc màu nhưng năng suất không cao.

Lương y Nguyễn Công Đức

Nguyên Giảng viên Đại Học Y Dược TP.HCM

Tin tức liên quan

Chùm ngây: Siêu thực phẩm
Chùm ngây: Siêu thực phẩm "thần dược" cho mùa dịch
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
Cây chùm ngây có tác dụng gì? Công dụng của cây chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
12 lợi ích sức khỏe và làm đẹp hàng đầu của hạt chùm ngây
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
Chùm ngây hỗ trợ trị viêm loét dạ dày có hiệu quả?
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
CHÙM NGÂY PHỤC HỒI SỨC KHỎE SAU PHẪU THUẬT
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây
Chùm ngây giúp bảo vệ gan khỏi tác động của thuốc Tây